Trang chủ » Tin Tức Nội Bộ » Xuất Khẩu Lao Động» Cẩn thận với chiêu lừa tuyển dụng lao động xuất khẩu online

Cẩn thận với chiêu lừa tuyển dụng lao động xuất khẩu online

01/09/2016 15:11
Tại Việt Nam, hiện chưa có đơn vị nào được Bộ Lao Động cấp phép người đi xuất khẩu lao động tại Angola, Algeri, tuy nhiên nghịch lý là có rất nhiều website  đăng tải thông tin tuyển công nhân sang 2 thị trường này.

Không những vậy, trên các website này còn nêu rõ mức lương, số lượng tuyển không hạn chế, không cần trình độ mà vẫn có thể làm trong lĩnh vực xây dựng tại 2 nước nêu trên.



Trước thực trạng phi lý này, đại diện cục Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho hay, hiện Bộ mới chỉ cấp phép cho khoảng 170 doanh nghiệp có quyền xuất khẩu lao động sang nước ngoài, chủ yếu là các nước như Đài Loan, Nhật Bản, Trung Đông và Malaysia… riêng đối với 2 thị trường là Angola và Algeri, hầu hết người xuất khẩu lao động sang các nước này đều đi theo hình thức cá nhân, tự phát chứ không phải được bảo trợ hợp pháp bởi bất cứ một đơn vị, doanh nghiệp nào.

Cũng theo ý kiến của lãnh đạo Cục quản lý lao động tại nước ngoài, đây là trường hợp của một số cá nhân mạo danh doanh nghiệp đứng ra tuyển dụng người sang làm việc ở các nước ngày với mục đích là chiếm dụng tiền của người lao động. Chính vì vậy nên người lao động cần cẩn thận trước những thông tin đăng tuyển liên quan đến 2 thị trường này. Tốt nhất là nên tham khảo kỹ thông tin chính thức của Bộ tại hai trang web là dolabgov.vn và hotrolaodongngoainuoc.org, tất cả các thông tin liên quan đến thị trường, hợp đồng lao động đã thông qua thẩm định và những điều kiện cần thiết, chi phí, danh sách công ty xuất khẩu lao động… đều được đăng tải đầy đủ trên 2 website này. Nếu thấy có bất kỳ vấn đề gì không trùng khớp giữa thông tin của đơn vị xuất khẩu lao động và thông tin trên 2 website này, người lao động nên đề cao cảnh giác và tốt nhất, chỉ nên tin và tham khảo thông tin từ 2 website này.



Ngoài ra, khi có nhu cầu cần đi xuất khẩu lao động, người lao động nên tham khảo, tìm hiểu thông tin ngay tại Sở Lao động Thương binh và Xã Hội của địa phương để tránh được nguy cơ bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, khi phát hiện các dấu hiệu lừa đảo thì nên thông tin ngay đến cơ quan quản lý hoặc công an để được bảo vệ quyền lợi của mình cũng như những người khác.

Ngoài 2 website nêu trên, người lao động còn có thể liên hệ tới đường dây nóng của Cục là 04 38249517, số máy lẻ 511, 512, 513 để được giải đáp giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề xuất khẩu lao động, hoặc bạn cũng có thể liên hệ với những trung tâm uy tín như  vhrc.com để được tư vấn cụ thể, miễn phí.

Đào Thơ

Khác