Trang chủ » Tin Tức Nội Bộ » Xuất Khẩu Lao Động» Mức phạt áp dụng cho người đi xuất khẩu lao động tự ý bỏ việc

Mức phạt áp dụng cho người đi xuất khẩu lao động tự ý bỏ việc

26/09/2016 14:40
Tự ý bỏ việc khi đi xuất khẩu lao động là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến đơn vị môi giới, đơn vị trực tiếp thuê lao động, mà còn gây những hệ lụy khó lường trước cho chính bản thân người tự ý phá hủy hợp đồng. 

Dù tự ý bỏ việc để trốn về nước hoặc ra làm việc cho một đơn vị khác với mức lương, chế độ hấp dẫn hơn… thì người lao động cũng sẽ bị áp dụng mức phạt từ 80-100 triệu đồng.



Theo như quy định tại khoản 4 Điều 6 của Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định, người lao động vẫn có thể ký kết Hợp đồng cá nhân, ký với phía nước ngoài mà không phải qua các doanh nghiệp làm dịch vụ, chỉ cần tuân thủ luật pháp nước nhà và nước sở tại và các điều khoản trong hợp đồng lao động đã ký với phía nước ngoài.

Nếu người lao động đã ký hợp đồng với một công ty nào đó trong thời hạn nhất định ( 5 năm, 10 năm…) nhưng khi chưa hết thời hạn giao keo đã bỏ việc sang làm cho một đơn vị khác, như vậy là người lao động đã vi phạm hợp đồng đã ký kết trước đó.

Trường hợp trước khi xuất cảnh, người nhà đã ký văn bản bảo lãnh, cam kết sẽ trả hết tiền phạt nếu người lao động vi phạm hợp đồng thì lúc này, việc bị công ty cũ hoặc đơn vị môi giới khởi kiện là khó tránh khỏi.



Chiếu theo quy định tại Điều 35 Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/08/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thì khi vi phạm hợp đồng, người lao động có thể sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu đồng nếu vi phạm một trong các hành vi dưới đây:

a.Đã hết thời hạn trong hợp đồng, hết hạn cư trú nhưng không về nước mà ở lại làm việc trái phép

b.Thời hạn ký kết trong hợp đồng chưa hết nhưng lại bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng.

c.Không đến nơi làm việc theo hợp đồng sau khi đã nhập cảnh tới nước tiếp nhận lao động.

d.Có hành vi lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt hoặc là ép buộc người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái luật định.

Ngoài mức phạt trên, người vi phạm còn phải thi hành các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả do việc làm của mình gây ra: 

+Bắt buộc phải về nước nếu vi phạm quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c;

+Cấm xuất cảnh với mục đích làm việc tại nước ngoài trong thời hạn 2 năm nếu vi phạm theo điểm a và điểm b.

+Cấm ra làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 5 năm nếu có hành vi vi phạm tại điểm c và điểm d.

Trong tất cả các hành vi vi phạm nêu trên, người đứng đầu cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước sở tại… sẽ được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có thẩm quyền xử phạt đối với người lao động. Người lao động cũng có thể sẽ buộc phải về nước theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

Đào Thơ

Khác