Trang chủ » Tin Tức Nội Bộ » Xuất Khẩu Lao Động» Giải đáp các thắc mắc khi xuất khẩu lao động

Giải đáp các thắc mắc khi xuất khẩu lao động

30/06/2016 15:29
Liên quan đến các vấn đề về xuất khẩu lao động, bài viết dưới đây sẽ tổng hợp cũng như giải đáp giùm bạn những thắc mắc trước khi có quyết định chọn thị trường và vay vốn sang nước ngoài làm việc.

1. Nên chọn nước nào?

Nên xuất khẩu lao động Hàn Quốc, Nhật, Ả Rập hay Đài Loan… là câu hỏi chung mà bất cứ ai có ý định sang nước ngoài làm việc cũng sẽ rất băn khoăn.
Ở thời điểm hiện tại thì Nhật Bản và Đài Loan chính là những thị trường hấp dẫn nhất đối với người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, việc chọn thị trường nào còn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố.



Nhiều người chọn đi xuất khẩu lao động Nhật Bản là vì thị trường này có thu nhập khá tốt, từ 28 – 30 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể tới thu nhập từ việc làm thêm. Theo nguồn tin từ Cục quản lý lao động ngoài nước thì trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2020, thị trường Nhật Bản sẽ cần khá nhiều lao động từ Việt Nam để cung ứng cho các lĩnh vực là xây dựng và nông nghiệp. Cơ hội tại thị trường này càng mở rộng thêm nữa khi từ năm 2015, Nhật đã bắt đầu tiếp nhận lao động trong các ngành điều dưỡng, hộ lý với mức thu nhập rất hấp dẫn, trung bình trên 60 triệu đồng/tháng.

Hấp dẫn là vậy, tuy nhiên không phải bất cứ ai cũng có thể đáp ứng hết các yêu cầu để có thể tham gia xuất khẩu lao động tại Nhật, bởi đây là một trong những đất nước có đòi hỏi khá khắt khe trong tuyển dụng. Để sang và tìm được việc làm tại thị trường này, người lao động tối thiểu phải tốt nghiệp bậc trung học phổ thông, biết tiếng Nhật, sức khỏe tốt, có tay nghề và tinh thần kỷ luật cực cao… cũng chính vì vậy nên khi chọn thị trường này, bạn sẽ mất từ 6 – 8 tháng cho việc chuẩn bị xuất cảnh (bao gồm: học tiếng, học nghề, tìm hiểu văn hóa của nước bạn… để có thể hòa nhập một cách nhanh chóng ở môi trường mới và làm tốt công việc)



Còn đối với thị trường Đài Loan, nhu cầu tuyển dụng từ đầu năm cho tới nay vẫn rất cao, chủ yếu là tìm nguồn nhân lực cho các ngành như dệt may, điện tử, chế biến thực phẩm và cơ khí. Tham gia lao động tại thị trường này thì mức thu nhập bình quân của bạn sẽ rơi vào khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Thị trường này đòi hỏi trình độ và tay nghề không cao bằng so với Nhật Bản, có thể tuyển cả người chưa tốt nghiệp trung học cơ sở và ngành nghề cũng khá đa dạng.

Có một điều cần lưu ý chung dù bạn chọn thị trường nào đi chăng nữa là, sẽ xuất hiện một số đối tượng xấu ở nước sở tại dụ dỗ, lôi kéo bạn ra ngoài để làm thêm với hứa hẹn mức lương cao hơn. Tuy nhiên khi lao động “chui” như vậy, bạn sẽ gặp phải những rủi ro như không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, thậm chí là còn bị trắng tay khi có tranh chấp xảy ra, bị trục xuất về nước và bị phạt hành chính, bồi thường hợp đồng.

2. Chi phí xuất khẩu lao động

Câu trả lời phụ thuộc vào thị trường mà bạn sẽ chọn. Nếu là Nhật Bản thì chi phí sẽ giao động ở mức từ 120 – 150 triệu đồng. Người lao động sẽ phải trải qua khâu kiểm tra sức khỏe, cân nặng, chiều cao và sau đó học tiếng ít nhất là trong 2 tháng và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cá nhân

Chi phí xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc là khoảng 100 – 120 triệu đồng, bao gồm: tiền môi giới (nếu có), tiền làm visa, hộ chiếu, khám sức khỏe, phí học nghề, ngoại ngữ, tham gia quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước…



3. Chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển:

Thông thường, một bộ hồ sơ ứng tuyển đầy đủ sẽ bao gồm: 

1. Hộ chiếu gốc

2. 03 bản phô tô hộ chiếu

3. 02 bản sơ yếu lý lịch có xác nhận của địa phương

4. 03 bản sao giấy khai sinh

5. 02 bản chứng minh nhân dân photo công chứng

6. 02 bản sổ hộ khẩu photo

7. 03 bản giấy ủy quyền theo mẫu của công ty

8. 02 bản sao bằng tốt nghiệp (tùy theo yêu cầu của nhà tuyển dụng)

9. 30 tấm ảnh thẻ 4x6 bền trắng

10. Bằng nghề photo có công chứng (nếu có)

11. Lý lịch tư pháp tỉnh.

4. Thời gian đạo tạo ngoại ngữ và chuyên môn:

Khi đã có quyết định trúng tuyển của công ty tuyển dụng, bạn sẽ phải tham gia học ngoại ngữ và đào tạo nghề tại cơ sở mà công ty đó hợp tác.

Thời gian đào tạo được chia ra 3 phân cấp: từ 3 – 4 tháng/6 tháng và 12 tháng.

Nếu là đi xuất khẩu lao động thuộc các ngành nghề phổ thông thì bạn sẽ được tham gia đào tạo ngoại ngữ và tay nghề trong khoảng từ 1 – 3 – 4 tháng hoặc cũng có thể là 6 tháng tùy theo ngành nghế. Riêng với các ngành nghề yêu cầu trình độ cao như kỹ sư thì phải học ngoại ngữ từ 12 tháng trở lên.

Ngoài ra khi đi xuất khẩu lao động thì bạn cũng sẽ được học sơ qua về luật lao động để đảm bảo thực hiện, chấp hành tốt luật lao động nước ngoài cũng như quy định công ty nơi bạn làm việc. Cần chú ý rõ những quyền lợi của mình khi học luật lao động để đảm bảo không bị thiệt hay vi phạm pháp luật khi qua xứ người.

Đào Thơ

Khác