Xuất khẩu lao động thị trường Nhật Bản

THÔNG TIN VỀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NHẬT BẢN

I. Thị trường lao động Nhật Bản    
* Tiêu chuẩn tuyển chọn:
- Đủ 18 tuổi trở lên; đáp ứng yêu cầu về sức khỏe;
- Trình độ học vấn: Phổ thông trung học trở lên;
* Ngành nghề: Tu nghiệp và thực tập tại các nhà máy dệt may, cơ khí, nhựa, chế biến thủy sản, thợ mộc, xây dựng, nông nghiệp...
* Thời hạn hợp đồng: tối đa không quá 3 năm.
* Thu nhập bình quân: khoảng từ 80.000 Yên – 100.000 Yên/tháng (tương đương khoảng 22.000.000 đồng – 28.000.000 đồng/tháng

II. Tình hình thực tập sinh Việt Nam đi tu nghiệp tại Nhật Bản
Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21 tháng 9 năm 1973. Đến nay, hai nước đã xây dựng và không ngừng phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác rất gắn bó và toàn diện. Quan hệ hai nước đã đạt đến một đỉnh cao mới, trở thành “đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh Châu Á”.
Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu. Nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của Nhật Bản rất lớn, mỗi năm tiếp nhận hơn 100.000 thực tập sinh nước ngoài, trong đó có khoảng 6.000 thực tập sinh Việt Nam. Nhật Bản được đánh giá là thị trường tiềm năng rất lớn cho thực tập sinh Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có gần 20.000 thực tập sinh đang làm việc tại Nhật Bản trong 63 nhóm ngành nghề khác nhau, là quốc gia có số lượng thực tập sinh lớn thứ hai trong tổng số 15 quốc gia phái cử, chỉ sau Trung Quốc, vượt lên trên Indonesia, Philippines và Thái Lan.
Nhìn chung, các thực tập sinh Việt Nam đều có công việc phù hợp, điều kiện làm việc tốt và thu nhập ổn định.
                                                         
III. Các chương trình hợp tác đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản
1. Chương trình hợp tác với Tổ chức Hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO)

Việt Nam chính thức đưa thực tập sinh sang tu nghiệp tại Nhật Bản từ năm 1992 trong khuôn khổ bản ghi nhớ về “Chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài vào tu nghiệp tại Nhật Bản” đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ký với Tổ chức Hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO). Thông qua Chương trình này, Nhật Bản hỗ trợ đào tạo nghề nhằm giúp thanh niên Việt Nam nâng cao tay nghề, tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến và công nghệ hiện đại để khi trở về nước góp phần tích cực vào công cuộc phát triển đất nước.
Cho đến nay, có hơn 120 doanh nghiệp phái cử Việt Nam uy tín, đủ điều kiện được JITCO chấp thuận đưa thực tập sinh sang tu nghiệp tại Nhật Bản. Hiện, thực tập sinh Việt Nam đang tu nghiệp tại Nhật Bản trong các lĩnh vực như điện tử, gia công cơ khí, may công nghiệp, chế biến thủy sản, xây dựng, nông nghiệp, đóng tàu biển… tại hầu khắp các tỉnh của Nhật Bản nhưng tập trung chủ yếu ở các vùng Gifu, Konto, Kansai, Aichi, Hiroshima…
Theo số liệu thống kê của Tổ chức JITCO, số lượng thực tập sinh Việt Nam sang thực tập tại Nhật Bản ngày càng tăng.

QUY TRÌNH TUYỂN CHỌN PHÁI CỬ THỰC TẬP SINH


2. Chương trình hợp tác với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (IM JAPAN)
Trong lĩnh vực phái cử thực tập sinh, bên cạnh quan hệ hợp tác với JITCO, từ cuối năm 2005, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ký Bản Thỏa thuận với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM JAPAN). Thực tập sinh đi tu nghiệp tại Nhật Bản theo chương trình này hầu như không phải đóng các chi phí trước khi xuất cảnh, ngoại trừ các khoản chi phí khám sức khoẻ, lệ phí làm hộ chiếu và visa, chi phí ăn, ở trong thời gian đào tạo trước phái cử. Sau khi hoàn thành thời gian tu nghiệp và thực tập kỹ thuật về nước, tổ chức IM JAPAN sẽ hỗ trợ mỗi thực tập sinh khoản tiền 600.000 Yên (khoảng trên 7.500 USD) để hỗ trợ việc hoà nhập, tìm việc làm mới hoặc tự tạo việc làm cho bản thân. Đối với những thực tập sinh có nguyện vọng làm việc trong các công ty Nhật Bản tại Việt Nam, tổ chức IM Japan sẽ phối hợp cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội liên hệ với các công ty để hỗ trợ việc làm.
Đây là chương trình phù hợp với tinh thần Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ người lao động ở các huyện nghèo, vùng sâu vùng xa đi làm việc ở nước ngoài. Cơ quan trực tiếp thực hiện chương trình này tại Việt Nam là Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
3. Một số chương trình khác:
Bên cạnh việc hợp tác đưa thực tập sinh và thực tập kỹ năng sang tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, Việt Nam cũng đã cung cấp lao động kỹ thuật có tay nghề cao, kỹ sư công nghệ thông tin, những người có trình độ đại học và trên đại học trong các lĩnh vực cho Nhật Bản. Hiện nay, thời gian làm việc của kỹ sư, chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản là ba năm và có thể gia hạn thêm hai năm, mức lương bình quân khoảng 250.000 yên/tháng (khoảng 3.000 USD), được cung cấp nhà ở, điện nước và các tiện nghi sinh hoạt như bếp gas, tủ lạnh, lò sưởi… Mức thu nhập cao cùng môi trường, điều kiện làm việc tiên tiến tại Nhật Bản là yếu tố hấp dẫn đối với các tân kỹ sư. Tuy nhiên, so với chương trình thực tập sinh, việc tuyển kỹ sư và chuyên gia cũng khó khăn hơn, yêu cầu đào tạo tiếng Nhật dài hơn nhưng hiệu quả cao gấp nhiều lần, chất lượng lao động được đảm bảo và ít phát sinh trong quá trình làm việc.
Ngoài ra, từ năm 2012, trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), hai Bên đã thống nhất triển khai Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được Thủ tướng Chính phủ giao là đơn vị đầu mối thực hiện Chương trình này. Việt Nam là nước thứ ba, sau Phillipines và Indonesia, chính thức có thỏa thuận hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng và hộ lý sang làm việc và học tập tại Nhật Bản - quốc gia phát triển hàng đầu thế giới về dịch vụ y tế. Đây là cơ hội tuyệt vời cho các điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sẽ được huấn luyện trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, nâng cao trình độ của bản thân trong thời gian làm việc tại Nhật Bản cũng như có thể sử dụng những kiến thức, kinh nghiệm hữu ích học tập được khi trở về làm việc trong nước.

IV. Một số quy định của Luật Quản lý xuất nhập cảnh liên quan đến tiếp nhận thực tập sinh:
1. Tư cách lưu trú:
Luật Quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản quy định người nước ngòai muốn nhập cảnh vào Nhật Bản phải kê khai hồ sơ xin tư cách lưu trú. Tùy theo thân phận, địa vị và mục đích nhập cảnh, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét để cấp cho tư cách lưu trú. Sau khi có được tư cách lưu trú, người nước ngòai có nguyện vọng nhập cảnh Nhật Bản sẽ tới cơ quan đại diện ngoại giao của Nhật Bản ở nước sở tại để xin visa nhập cảnh. Khi tới Nhật Bản, người nước ngoài chỉ được phép tiến hành các hoạt động theo đúng mục đích đã được quy định ở tư cách lưu trú do phía Nhật Bản cấp.
Đối với thực tập sinh tư cách lưu trú là “Thực tập sinh kỹ năng”. Như vậy, thực tập sinh chỉ được phép tiến hành các hoạt động của một thực tập sinh kỹ năng. Trong trường hợp thực tập sinh bỏ khỏi nơi thực tập để đi làm việc ở các nhà hàng hoặc nhà máy khác… sẽ là vi phạm quy định về tư cách lưu trú và sẽ bị trục xuất khỏi Nhật Bản. Tư cách lưu trú của thực tập sinh sẽ được ghi trên thị thực nhập cảnh và dán vào hộ chiếu của từng thực tập sinh.
2. Thời gian lưu trú:
Nội dung thị thực nhập cảnh dán vào hộ chiếu của thực tập sinh sẽ thể hiện gồm:
•     Tư cách lưu trú;
•     Thời gian lưu trú;
•     Ngày được phép nhập cảnh;
•     Tên sân bay (địa phương) nơi cửa khẩu nhập cảnh;
Thời gian lưu trú là thời gian thực tập sinh sẽ được phép ở lại Nhật Bản để tiến hành các hoạt động thực tập kỹ năng. Thông thường Bộ Tư pháp Nhật Bản mà trực tiếp là cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sẽ cấp tư cách lưu trú với thời hạn 6 tháng hoặc 1 năm cho thực tập sinh. Hết thời hạn lưu trú, cơ quan tiếp nhận phải làm thủ tục để xin gia hạn tư cách lưu trú với tổng thời gian lưu trú tối đa không quá 3 năm đối với thực tập sinh kỹ năng.
3. Thay đổi tư cách lưu trú:
Theo quy định của Luật Quản lý xuất nhập cảnh, người nước ngòai có tư cách lưu trú muốn thay đổi mục đích ở lại phải làm thủ tục xin Bộ trưởng Bộ Tư pháp (đại diện là Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh điạ phương) để thay đổi tư cách lưu trú cho phù hợp với mục đích ở lại
4. Gia hạn thời gian lưu trú:
Gia hạn thời gian lưu trú là các thủ tục khi một nguwofi nước ngòai ở Nhật Bản muốn tiếp tục các hoạt động mà tư cách lưu trú hiện tại của họ cho phép nhưng thời gian lưu trú đã chuẩn bị hết hạn.
5. Nhập cảnh lại Nhật Bản trong thời gian còn tư cách lưu trú:
Theo quy định, người nước ngòai lưu trú tại Nhật Bản được tự do rời khỏi nước Nhật bất kỳ lúc nào mà không cần qua bất cứ thủ tục đặc biệt nào. Thế nhưng, khi ra khỏi Nhật Bản, tư cách lưu trú và thời gian lưu trú tại Nhật Bản của người đó sẽ mất hiệu lực. Để quay trở lại Nhật Bản, người nước ngòai đó sẽ phải làm thủ tục xin thị thực nhập cảnh  mới với nhiều thủ tục phức tạp và mất thời gian. Luật xuất nhập cảnh Nhật Bản cho phép người nước ngòai đang còn thời gian lưu trú tại Nhật Bản được làm thủ tục tái cảnh trước khi người đó xuất cảnh Nhật Bản. Những người đã hòan thành thủ tục tái nhập quốc sẽ được miễn thị thực khi nhập cảnh lại Nhật Bản và chỉ phải làm các thủ tục kiểm tra nhập cảnh đơn thuần.

V. Hướng dẫn về việc xin visa cho người Việt Nam
Để được nhập cảnh vào Nhật Bản làm việc hoặc thực tập kỹ năng, người lao động Việt Nam phải xin Visa lao động, cụ thể như sau:
Trường hợp ở Nhật quá 90 ngày hoặc làm những công việc với mục đích sinh lợi, đề nghị trước hết phải xin giấy chứng nhận đủ tư cách lưu trú ở Nhật Bản tại Cục quản lý xuất nhập cảnh địa phương Bộ tư pháp Nhật nơi gần nhất (Số điện thoại Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ tư pháp Nhật: 03-3580-4111).
(1) Hộ chiếu
(2) Tờ khai xin cấp Visa (01 tờ)
(3) 01 ảnh 4,5cm x 4,5cm
(4) Giấy chứng nhận đủ tư cách lưu trú tại Nhật
(5) Tài liệu xác nhận chính xác bản thân (01 bản)
+ Trường hợp đi lao động kỹ thuật, kỹ năng: Bản hợp đồng lao động, giấy thông báo tuyển dụng...
+ Trường hợp đi tu nghiệp: Giấy tiếp nhận tu nghiệp...
Ngoài những hồ sơ nêu trên, tùy trường hợp có thể Đại Sứ Quán hoặc Bộ Ngoại Giao sẽ yêu cầu xuất trình thêm giấy tờ khác. Xin lưu ý, trường hợp không xuất trình thêm những giấy tờ được yêu cầu có thể sẽ không được tiếp nhận hồ sơ Visa hoặc chậm cấp Visa.